Ôn thi công chức
Ôn thi công chức Tổng hợp đề thi môn kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành, anh văn, tin học ôn thi công chức trực tuyến
Ôn thi công chức

Phân luồng học nghề bắt đầu từ thay đổi nhận thức của xã hội

Thứ năm - 03/10/2019 21:26

(QT) - Ngày hội về tư vấn, định hướng, tuyển sinh học nghề hay các chương trình tuyển sinh, tuyển dụng lao động được tổ chức đều đặn trong những năm gần đây là một trong những nỗ lực của các ngành liên quan trong việc định hướng phân luồng học sinh. Hiện nay, phụ huynh và học sinh bắt đầu có cách nhìn khác về trường nghề, tuy vậy vẫn cần những giải pháp đồng bộ để làm tốt hơn công tác phân luồng học sinh.

Vậy phân luồng học sinh phổ thông là gì? Đó là lựa chọn hướng đi đúng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT phù hợp với nguyện vọng, năng lực bản thân và nhu cầu xã hội. Chẳng hạn như sau tốt nghiệp THCS, học sinh nên tiếp tục học lên THPT hoặc đi học nghề hoặc tham gia vào thị trường lao động. Hầu hết mọi người vẫn có suy nghĩ rằng hướng nghiệp chỉ là sự lựa chọn một nghề mà mình yêu thích, chọn một trường đại học phù hợp. Tuy nhiên, đây mới là phần ngọn của quá trình hoạt động trong số rất nhiều các hoạt động của hướng nghiệp. Giáo dục hướng nghiệp, nếu được hiểu đúng thì đó là sự kết hợp của việc đánh giá, quản lí và phát triển nghề nghiệp. Khi một người có được chuyên môn nghề nghiệp vững vàng, ổn định sẽ có nhiều cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân. Ở một góc độ khác, hướng nghiệp hiệu quả sẽ tạo ra một lực lượng lao động có định hướng rõ ràng, do họ có năng lực nghề nghiệp tốt, làm tăng năng suất lao động, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

 

Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS, THPT là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 về Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng giai đoạn 2018 đến 2025. Đề án đưa ra các giải pháp căn bản, bao gồm các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội nhằm cung cấp tri thức về nghề nghiệp và thị trường lao động cho học sinh, giúp học sinh tự đánh giá sở trường, nguyện vọng, quan niệm về giá trị và điều kiện của bản thân, từ đó có định hướng nghề nghiệp phù hợp và có ý thức chuẩn bị cho việc thực hiện sự lựa chọn đó. Từ đề án của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Kế hoạch số 1967/KH-UBND về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh với những mục tiêu, biện pháp cụ thể.

 

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2018 - 2019, tỉ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS hằng năm học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tăng từ 2,5 - 5,3%; tỉ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN tăng từ 13 - 13,4%. Điều này cho thấy, nhận thức của xã hội bước đầu có chuyển biến tích cực về hướng nghiệp, chọn nghề nhưng kết quả vẫn rất thấp so với mục tiêu đề ra. Một thực tế đang diễn ra là nhiều cơ sở GDNN trên địa bàn tuyển sinh rất khó khăn, phần lớn không đạt chỉ tiêu. Toàn tỉnh hiện có 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (GDTX) trong đó có 4 trung tâm có số lượng trên 70 học viên theo học giáo dục thường xuyên cấp THPT, 3 trung tâm có số lượng dưới 40 học viên, 2 trung tâm nhiều năm không tuyển được học viên. Đặc biệt, một số cơ sở GDNN hoạt động kém hiệu quả vì thiếu người học đang tiến hành giải thể như Trường Trung cấp Bùi Dục Tài, Trường Trung cấp nghề tổng hợp Asian...

 

Một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở GDNN khó khăn trong việc tuyển sinh là do công tác phân luồng học sinh chưa tốt. Trước hết, đó là nhận thức của xã hội vẫn trọng bằng cấp, chỉ tiêu đại học, cao đẳng một vài năm trở lại đây có giảm nhưng vẫn cao so với nhu cầu. Các trường trung học vẫn có xu hướng chạy theo thành tích nâng dần số học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học. Việc dạy thêm, học thêm các môn thi đại học đã diễn ra ngay từ cấp THCS, trong khi lại coi nhẹ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh, nhất là nhóm không có khả năng và điều kiện tiếp tục học lên. Vẫn còn một số cán bộ quản lí cho rằng, chỉ những nơi khó khăn, chất lượng giáo dục phổ thông còn thấp mới thực hiện các chỉ tiêu phân luồng, còn những nơi chất lượng cao hơn chủ yếu hướng học sinh sau THPT vào đại học. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, truyền thông phân luồng học sinh chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, hoạt động truyền thông phân luồng ở các huyện diễn ra chưa đồng bộ, chưa thu hút sự tham gia của trường nghề, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thông tin về nghề nghiệp việc làm chưa đến với học sinh, phụ huynh một cách đầy đủ. Công tác hướng nghiệp, dạy nghề ở trường phổ thông còn mang tính hình thức, chưa vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, nội dung chưa thiết thực với phụ huynh, học sinh. Đội ngũ làm công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản. Vì thế, học sinh chưa được định hướng để xác định đúng năng lực và xu hướng nghề nghiệp của bản thân, tâm lí chạy theo bằng cấp trong xã hội còn nặng nề. Nhận thức của người dân đối với GDNN còn chưa đầy đủ. Hầu hết phụ huynh đều muốn cho con học THPT, sau đó thi vào đại học, cao đẳng dù chưa xác định được các em sẽ làm nghề gì, làm ở đâu sau khi ra trường.

 

Kế hoạch số 1967/KH-UBND về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn Quảng Trị đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị có ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo sơ cấp, trung cấp (riêng huyện Đakrông ít nhất đạt 15%); có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo cao đẳng (riêng huyện Đakrông ít nhất đạt 20%). Để hiện thực hóa những con số này, trong kế hoạch UBND tỉnh đã xây dựng khá cụ thể 6 nhóm giải pháp về: Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học, trung tâm GDNN, GDTX. Tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ gắn giáo dục phổ thông với giáo dục hướng nghiệp. Đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác giáo dục hướng nghiệp phù hợp với thực tiễn địa phương và chính sách đối với học sinh học nghề. Tăng cường quản lí đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

 

Có thể nói, trong rất nhiều giải pháp thì việc đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lí giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông đến phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh là việc cần ưu tiên trước nhất. Việc tuyên truyền, tư vấn không chỉ để phụ huynh, học sinh thấy được lợi ích của việc học nghề, từ đó có quyết định hợp lí trong lựa chọn nghề nghiệp, mà ngành giáo dục cũng cần đổi mới việc dạy học, kiểm tra, thi cử để đánh giá đúng năng lực, sở trường của học sinh, giúp các em hiểu được giá trị bản thân. Bởi nếu không, những “điểm số ảo” sẽ khiến phụ huynh và học sinh khó nhận rõ con đường cần phải chọn. Rõ ràng, nếu phân luồng không đảm bảo, phụ huynh vẫn muốn con em mình đi học ở các trường phổ thông và học lên đại học, cao đẳng thay vì đi học nghề. Điều này buộc các cơ sở GDNN cần đổi mới để tạo ra sức hút đối với học sinh. Việc đổi mới cần thực hiện đồng bộ từ cơ sở vật chất, chương trình học đến đầu ra cho học sinh học nghề.

 

Bên cạnh tuyên truyền, vận động tuyển sinh, các trường dạy nghề cần chú ý thu nhận thông tin sinh viên tốt nghiệp có việc làm ổn định để minh chứng cho xã hội thấy được hiệu quả thiết thực của việc học nghề.

 

 Lâm Thanh

 

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn